Giờ làm việc

T2 - T7 8h30 - 18h00

Liên hệ

 

Cảm hứng để Học và Làm ngành Lập trình

Tại sao có nhiều bạn có điểm đầu vào Đại học cao nhưng học lập trình không / chưa hiệu quả?

Thật sự thì ngành lập trình rất kì lạ, có những bạn SV năm 3, năm 4 ngành CNTT với điểm đầu vào Đại học cao, sắp / đã ra trường nhưng vẫn thấy hổng / chưa vững kiến thức / không hợp với ngành lập trình. Ngược lại, có nhiều bạn đầu vào bình thường hoặc thậm chí học ngành khác nhưng đam mê theo đuổi công việc lập trình viên, thì lại hợp và phát triển ổn với ngành (kể cả khi đã đi làm lập trình chuyên nghiệp). Vậy thì lý do là gì?

Từ quan điểm của 1 Mentor khóa lập trình mobile tại #CodeFresher, với background tốt nghiệp ĐH Bách khoa Hà Nội năm 2015 và kinh nghiệm làm lập trình chuyên nghiệp từ 2015 đến nay; kinh nghiệm hỗ trợ, hướng dẫn một số nhóm học viên tại CodeFresher, xin chia sẻ với các bạn 1 yếu tố quan trọng để thành công trong việc học và làm lập trình chuyên nghiệp đó chính là: cảm hứng để học và làm lập trình (gọi tắt là Cảm hứng)

Thật sự thì kiến thức lập trình cơ bản không quá khó đến mức các bạn có điểm đầu vào ĐH cao mà học 3, 4 năm rồi vẫn chưa vững, chưa đi thực tập / đi làm lập trình chuyên nghiệp được. Vì thực sự, để phát triển mạnh trong ngành với mức lương 20 – 30tr hoặc cao hơn là 40 – 50tr, lên các vị trí Quản lý thì mới khó chứ kiến thức lập trình cơ bản, nền tảng để apply công việc lập trình chuyên nghiệp Fresher với mức lương khởi điểm 7 – 8tr / tháng là không hề khó. Vậy tại sao thực tế nhiều người phải ‘loay hoay’, mất rất nhiều thời gian mới đáp ứng được yêu cầu khởi điểm của việc lập trình chuyên nghiệp trong khi đầu vào của họ cao?

Vì học lập trình không khó nhưng cần kiên nhẫn. Kiên nhẫn mới có thể có được những thực hành hiệu quả, mới hiểu được những luồng quan trọng của kĩ thuật lập trình. Kiên nhẫn mới chấp nhận được là trong một mớ lý thuyết khô khan mới có một thực hành tổng hợp, hiệu quả để ta thực sự hiểu vấn đề đó. Kiên nhẫn để hiểu nghề lập trình không phải 100% là ‘thợ code’ hay ‘coder’ mà là rất nhiều thời gian và tư duy cần mẫn phải bỏ ra để xử lý các vấn đề liên quan: tìm hiểu về bản chất công nghệ / framework, thực hiện test / sửa lỗi, cập nhật kiến thức / update công nghệ mới.

Kiên nhẫn trong thời gian đủ dài giúp chúng ta thực sự hiểu, vững, làm chủ được kĩ năng lập trình cơ bản để apply vị trí Fresher. Kiên nhẫn trong thời gian dài hơn giúp ta phát triển trong nghề, lên lương, vị trí cao hơn. Và để kiên nhẫn đủ lâu thì có lẽ một trong những yếu tố quan trọng nhất vẫn là: Cảm hứng.

Để tự tìm ra được câu trả lời nằm ở 2 chữ Cảm hứng thì bản thân người viết cũng đã từng loay hoay trong suốt hơn 3 năm đầu Đại học (Bách khoa học hệ 5 năm). Xin chia sẻ câu chuyện thật của người viết để các bạn dễ hình dung. Lúc đó mình khoảng giữa năm thứ 3, điểm thì cũng không tệ đủ để ra trường bằng khá, nhưng thực sự 3 năm đầu rất ‘lơ tơ mơ’, đã học qua nhiều môn như: kĩ thuật lập trình, C/C++, lập trình hướng đối tượng, cấu trúc dữ liệu và giải thuật, C# Winform và ứng dụng v.v. nhưng là học để cho qua chứ cũng không thích học các môn lập trình, cũng không biết ra trường mình có làm lập trình không, thậm chí nghĩ rằng ngại, hay là kiếm việc gì khác mà việc đó ít hoặc không liên quan đến lập trình cũng được. Sự thay đổi chỉ đến vào đầu kì 2 năm thứ 3, khi mình tình cờ tìm được Cảm hứng khi học lớp Lập trình Java ở trường và bắt đầu nghiêm túc, tập trung trong việc học lập trình. Không phải là học java mới đem lại cảm hứng còn học C, C++, C# hay các ngôn ngữ khác thì không có cảm hứng, mà là tình cờ cảm hứng lúc đó mới đến với mình, do tổng hòa nhiều yếu tố: bắt đầu sợ ra trường làm lung tung / thất nghiệp / làm việc không đúng chuyên ngành, không phát huy được sở trường; tình cờ môn học đó được học lại từ cơ bản: Hello World, biến, hàm, bộ nhớ, OOP v.v. mà mình có thể thực hành lại từng thứ một từ cơ bản; gặp được một thầy giáo trẻ tuổi, tận tâm, thực sự trách nhiệm với lớp (thầy Tùng); Và một lý do quan trọng nhất: lúc đó mình mới thực sự tìm hiểu về công việc của một lập trình viên, làm app, web, game như kiểu Flappy Bird v.v. thì thấy rất thích, thấy đây mới chính là tương lai và ‘lối thoát’ cho một cậu SV năm 3 (lúc đó), nghĩ mình sắp có thể kiếm được tiền lương ‘chục triệu’ mỗi tháng mà lại làm đúng ngành học, công việc ngồi máy tính lập trình cũng rất kiểu trí óc, văn phòng là thấy rất vui mừng và hừng hực khí thế rồi. Và đúng là khi có Cảm hứng thì mọi việc khác hẳn, mình thực sự tập trung và cực kỳ ham thích học lập trình, cả ở lớp và về nhà tự học thêm. Kết quả là chỉ sau 4 tháng với 2 môn học ở trường: Lập trình Java và Lập trình ứng dụng Android, mình đã thực sự hiểu và ứng dụng được một số kĩ năng lập trình cơ bản, từ đó không hề sợ mà ngược lại thấy rất thích lập trình vì biết rằng con đường phát triển sắp tới còn rất rộng mở, không chỉ học hiểu lập trình cơ bản là xong mà còn rất nhiều kĩ thuật chuyên sâu khác, thoải mái để phấn đấu và phát triển. Và để tiếp tục nâng cao thì từ đầu năm 4 mình đã bắt đầu xin đi thực tập lập trình ở doanh nghiệp, sau vài tháng đã có lương và bắt đầu công việc lập trình chuyên nghiệp ngay từ khi sắp ra trường. Và thực sự thì mình vẫn luôn tìm và giữ những Cảm hứng để làm và phát triển công việc lập trình từ đó đến nay.

Kết luận

Cảm hứng để học và làm lập trình rất quan trọng vì đó chính là thứ giúp chúng ta vào ngành / phát triển với ngành này. Chúc các bạn sớm tìm ra Cảm hứng để có thể học và làm, phát triển với công việc lập trình viên chuyên nghiệp nhé! 😀

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Gọi ngay